Bệnh viên Âu Cơ

Thai nhi 32 tuần tuổi: Lời khuyên dành cho mẹ

Đăng ngày: 23-04-2019 08:36 am

Sự phát triển của thai nhi 32 tuần tuổi

Thai nhi 32 tuần phát triển như thế nào?

Bé lúc này có kích thước của một củ đậu. Bé sẽ chiếm nhiều không gian hơn trong tử cung, cân nặng khoảng 1,7kg và dài khoảng 42,5 cm tính từ đầu đến gót chân. Thai nhi khi được 32 tuần tuổi đã có thể sống sót bên ngoài tử cung nếu mẹ sinh bé ngay bây giờ.

Những đường nét cuối cùng của bé nay đã được hoàn thành: Lông mi, lông mày và tóc trên đầu bé trở nên rõ ràng. Lông tơ đã bao phủ cơ thể bé từ đầu tháng thứ 6 của thai kỳ dần rụng xuống, mặc dù một số lông tơ có thể vẫn còn trên vai và lưng của bé khi sinh.

Sự thay đổi trên cơ thể của mẹ ở tuần thai thứ 32

Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?

Để đáp ứng cho mẹ và nhu cầu phát triển của thai nhi 32 tuần tuổi, dung lượng máu trong cơ thể mẹ đã tăng lên 40–50% kể từ khi mẹ có thai. Hoạt động của tử cung đẩy lên gần cơ hoành và việc bụng mẹ đang chật chội có thể khiến mẹ khó thở và ợ nóng. Để giúp giảm bớt sự khó chịu này, hãy thử ngủ tựa lên gối và ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên hơn.

Mẹ có thể bị đau lưng dưới như trong giai đoạn trước của thời kỳ mang thai. Nếu mẹ bị như vậy, hãy báo cho bác sĩ biết ngay lập tức, đặc biệt nếu mẹ không bị đau lưng trước đó vì nó có thể làdấu hiệu của sinh non.

Giả sử đó không phải là sinh non, nguyên nhân có thể là do tử cung phát triển và thay đổi nội tiết tố dẫn đễn đau lưng. Việc mở rộng tử cung sẽ làm dịch chuyển trọng tâm cơ thể mẹ, làm kéo giãn và suy yếu cơ bụng, từ đó mà thay đổi dáng điệu và làm căng lưng.

Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ cũng sẽ nới lỏng các khớp xương và dây chằng gắn xương chậu vào cột sống. Điều này có thể làm cho mẹ cảm thấy kém ổn định hơn và gây đau khi mẹ đi, đứng, ngồi trong thời gian dài, cuộn mình trên giường, đứng dậy khỏi một chiếc ghế thấp hoặc bồn tắm, uốn cong người hoặc nâng đồ vật.

Những điều mẹ cần lưu ý là gì?

Nguy cơ sinh non vẫn còn tiếp tục trong tháng này. Dưới đây là một lời nhắc nhở về các dấu hiệu và triệu chứng của sinh non:

  • Co thắt tử cung có thể không đau nhưng cho cảm giác như bị thắt chặt trong bụng
  • Các cơn co thắt kèm theo đau lưng hoặc cảm giác nặng nề trong xương chậu dưới và đùi trên
  • Thay đổi trong dịch tiết âm đạo: dịch có đốm hoặc chảy máu, chất lỏng chảy rỉ ra từ âm đạo hoặc tiết dịch đặc và nhuốm máu.

Nếu mẹ nhận thấy mình bị nhiều hơn 6 cơn co thắt trong một giờ và mỗi cơn kéo dài ít nhất 45 giây, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay cả khi các cơn co thắt không gây đau. Điều này đặc biệt quan trọng nếu mẹ bị chảy máu âm đạo và kèm theo đó là chuột rút bụng hoặc đau.

Lời khuyên của bác sĩ về thai kỳ 32 tuần

Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?

Hãy hỏi bác sĩ hoặc bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, những người có trẻ con để được giới thiệu tìm một bác sĩ nhi khoa đáng tin cậy. Đôi khi khó thở có thể là một dấu hiệu của lượng sắt thấp, vì vậy mẹ hãy đi khám bác sĩ để chắc chắn về điều này.

Những xét nghiệm nào mẹ cần biết?

Sau tuần thứ 32, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ đến khám hai tuần 1 lần để theo dõi chặt chẽ hơn tiến độ của mẹ và sự phát triển của em bé. Mẹ có thể được kiểm tra những điều sau, tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của mẹ và cách khám của bác sĩ:

  • Đo cân nặng và huyết áp
  • Đo lượng đạm và đường trong nước tiểu
  • Đo nhịp tim của thai nhi
  • Đo kích thước và vị trí của bào thai bằng cách sờ nắn bên ngoài (cảm giác từ bên ngoài)
  • Đo chiều cao từ đáy tử cung
  • Kiểm tra tình trạng giãn tĩnh mạch chân, sưng bàn tay và chân
  • Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B
  • Xem xét các triệu chứng mẹ đã trải qua, đặc biệt là triệu chứng không bình thường
  • Mẹ nên lập danh sách sẵn các câu hỏi hoặc vấn đề mẹ muốn thảo luận với bác sĩ.

Sức khỏe của mẹ và thai nhi ở tuần 32

Mẹ cần biết những gì để đảm bảo an toàn trong thai kỳ?

1. Yoga

Nếu mẹ muốn đi tập yoga trong khi đang mang thai, ý định này rất tốt cho sức khỏe của mẹ miễn là mẹ có một số đề phòng nhất định. Yoga giúp mẹ hít thở và thư giãn, do đó có thể giúp mẹ điều chỉnh các nhu cầu vật lý của thời kỳ mang thai, chuyển dạ, sinh con và làm mẹ. Việc tập yoga có thể làm dịu cả tâm trí và cơ thể, giảm căng thẳng về thể chất và cảm xúc của cơ thể mẹ trong suốt thời gian mang thai và đặc biệt là vào tuần thai thứ 32. Tham gia một lớp yoga trước khi sinh cũng là một cách tuyệt vời để gặp gỡ các bà mẹ khác và cùng giúp đỡ nhau vượt qua giai đoạn mang thai.

2. Chữa trị nấm chân 

Nếu mẹ bị nấm móng chân, chữa trị bằng cách bôi thuốc mỡ sẽ tốt hơn uống thuốc. Khi bôi thuốc, thuốc sẽ không thể đi vào máu của mẹ và gây hại cho thai nhi.